“Không chỉ riêng Việt Nam mà kể cả các nước khác, việc xin visa vào nước Nhật là rất khó vì đây là một nước phát triển…”, ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch hội cựu du học sinh Nhật Bản cho biết.
Ông nói thêm:
- Khi công dân của những quốc gia đang phát triển nhập cư vào nước Nhật ít nhiều sẽ gây xáo trộn cho xã hội Nhật. Bởi vậy, họ cũng hạn chế người nhập cư. Song nếu người Việt Nam, trong đó có du học sinh làm theo đúng nguyên tắc thì không có gì khó khăn cả.
Vậy đúng nguyên tắc là phải làm như thế nào, thưa ông?
Đối với du học sinh đăng ký học đại học, để xin được visa du học Nhật Bản cần có sự chấp thuận của một trường đại học bên Nhật. Còn đối với học cao học thì cần phải có thêm một vị giáo sư đứng ra đỡ đầu bằng một lá thư bảo đảm. Với bậc đại học, nếu có được thư bảo đảm sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên hiện nay, một số công ty hỗ trợ du học của Việt Nam đã bỏ qua yêu cầu đỡ đầu của giáo sư Nhật hay của trường đại học. Họ cứ tìm cách để xin visa, sau đó cho sinh viên sang Nhật rồi mới tìm chỗ học. Tình trạng này dẫn đến nhiều trường hợp du học sinh sang đó rồi có thể phải quay về vì không tìm được nơi nhận học.
Với những học sinh, sinh viên Việt Nam có ý định đi du học, theo ông, cần phải làm thế nào để có thể nhận được sự chấp thuận của một giáo sư người Nhật?
Nếu sang học tiếng Nhật thì chưa cần đến bảo lãnh của giáo sư Nhật, mà chỉ cần bảo lãnh của trường nhận đào tạo. Với các trường hợp học cao học, nghiên cứu sinh thì cần giáo sư đỡ đầu. Vì trách nhiệm của vị giáo sư Nhật trong việc đỡ đầu cho một sinh viên nước ngoài là rất cao nên trước khi viết thư bảo đảm, họ phải điều tra rất kỹ về bản thân sinh viên đó.
Để có được thư bảo đảm của vị giáo sư có thể nói là vừa khó lại vừa không khó. Nó khó ở chỗ nếu như mình tự liên hệ thì họ sẽ rất khó trả lời. Nhất là phần lớn sinh viên của ta liên hệ bằng email, chủ yếu lại ở những địa chỉ không tin cậy lắm như yahoo, gmail… Bởi vậy, tốt nhất sinh viên nên liên hệ từ những địa chỉ được cấp chính thức của trường đại học hoặc một công ty dịch vụ thông tin viễn thông như VNN, FPT hay NETNAM chẳng hạn.
Hơn nữa, người Nhật có thói quen là chỉ xem xét giúp đỡ khi biết rõ bạn là ai, nên các sinh viên cần liên hệ trước với một trường đại học ở Nhật, rồi thông qua bộ phận hợp tác quốc tế của trường để liên hệ với một giáo sư. Hoặc sinh viên cũng có thể nhờ qua một người đã hoặc đang sống và học tập tại Nhật Bản để tiếp cận với giáo sư. Tùy người giới thiệu và bản thân hồ sơ sinh viên mà giáo sư có thể xem xét nhận giúp đỡ.
Ngoài việc có được thư bảo đảm, trong hồ sơ xin du học Nhật, sinh viên còn cần phải lưu ý điều gì, thưa ông?
Tôi nghĩ rằng, trong việc này thì công ty tư vấn du học đóng một vai trò rất quan trọng. Họ cần phải giúp sinh viên tìm hiểu đúng các thủ tục và kê khai chuẩn. Chẳng hạn một học sinh Việt Nam học rất giỏi, nhưng không được một công ty tư vấn du học có kinh nghiệm giúp đỡ trong việc kê khai sẽ rất thiệt thòi. Người Nhật quan niệm 1 năm học phải đủ 12 tháng, nhưng ta lại khai 1 năm học chỉ từ tháng 9 đến hết tháng 5 năm sau, còn lại 3 tháng nghỉ hè không học. Như vậy, so với người Nhật là thời gian học không đủ so với yêu cầu và sinh viên đó sẽ không được chấp nhận. Hội cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản có thể hỗ trợ các gia đình và học sinh nào có nhu cầu trong vấn đề tư vấn du học Nhật, để đạt được hiệu quả cao nhất với những thông tin xác đáng nhất.
Ông còn điều gì muốn nhắn nhủ với những người đang có ý định đi du học tại Nhật?
Tôi muốn những học sinh Việt Nam phải biết chớp thời cơ để cạnh tranh với sinh viên các nước. Vì trên thực tế, các nước khác gửi được rất nhiều sinh viên sang Nhật học và nhận được nhiều học bổng. Hãy làm đúng nguyên tắc và tìm đến những địa chỉ đủ sức tin cậy để họ giúp đỡ. Chúc các bạn thành công.
No comments:
Post a Comment